GENCAREVN.com – Phụ nữ không may mắc bệnh lây truyền khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai kỳ của mẹ. Dưới đây là những bệnh truyền nhiễm khi mang thai cực kỳ nguy hiểm trong thai kỳ các mẹ cần lưu ý.
1. Bệnh Rubella
Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên. Bệnh có khuynh hướng lây lan rộng từ đầu mùa xuân đến đầu mùa hè. Sốt phát ban, sưng hạch, đau khớp là những triệu chứng đặc trưng. Triệu chứng sốt phát ban kéo dài 3 ngày là hết nên còn có tên gọi là bệnh sởi 3 ngày.
Mẹ bầu mắc Rubella khi mang thai dưới 20 tuần tuổi có nguy cơ cao khiến em bé mắc phải các dị tật nguy hiểm như dị tật như bệnh tim, đục thủy tinh thể, điếc, bệnh glaucoma (hội chứng Rubella bẩm sinh). Vì vậy, cần tiêm ngừa trước khi mang thai 3 tháng hoặc ít nhất là 1 tháng.
Mẹ mắc Rubella khi mang thai khiến em bé gặp nhiều bất thường
Trong trường hợp mẹ bầu mắc Rubella khi mang thai từ tuần thứ 20 trở đi thì không cần lo lắng. Lúc này, virus Rubella không còn khả năng ảnh hưởng tới thai nhi như giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
2. Virus viêm gan B
Viêm gan B là bệnh gây ra do virus viêm gan B (HBV). Nếu không được can thiệp chữa trị đúng cách, bệnh sẽ phát triển thành xơ gan rồi đến ung thư gan.
Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, đặc biệt trong giai đoạn mang thai, lúc sinh nở hoặc giai đoạn cho con bú. Trẻ bị lây bệnh thường không có triệu chứng quá rõ ràng. Bệnh khiến trẻ bị vàng da, xuất hiện các đợt viêm gan cấp. Bên cạnh đó gan lách trẻ mắc bệnh có thể to hơn bình thường, có tổn thương và dễ chảy máu. Nếu bị nặng nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Tại Việt Nam, việc tầm soát viêm gan B trước và trong khi mang thai chưa được thực hiện rộng rãi, vì vậy, nhiều trẻ vừa sinh ra đã mắc bệnh này do mẹ mắc bệnh. Tỷ lệ thai phụ mắc viêm gan B tại Việt Nam rất lớn, chiếm đến 10% tổng số thai phụ mỗi năm.
Để ngăn ngừa lây truyền cho trẻ, thai phụ nên nắm được các giai đoạn tầm soát bệnh:
– Vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Bà bầu cần được kiểm tra có hay không nhiễm HBV bằng xét nghiệm máu. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm kháng nguyên Hbe để xác định mức độ lây nhiễm sang cho thai nhi và điều trị dự phòng nếu cần.
– Sau khi sinh, nếu mẹ có mang HBV thì trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin viêm gan B và 1 mũi globulin miễn dịch trong vòng 24 giờ sau sanh.
3. Nhiễm HIV/AIDS
Trẻ có thể bị nhiễm HIV khi còn là thời kỳ bào thai, trong lúc sinh hoặc khi cho con bú. Để phát hiện sớm, các bà mẹ khi mang thai sẽ được tư vấn làm xét nghiệm HIV để xác định xem có bị lây nhiễm virus này hay không và để được điều trị dự phòng sớm.
Hiện nay, việc điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể làm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%.
4. Bệnh Thalassemia – Tan máu bẩm sinh
Bệnh Thalassemia (Tan máu bẩm sinh) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Nếu hai người bị bệnh mức độ nhẹ (người mang bệnh không có biểu hiện sinh lý) kết hôn với nhau, khi sinh con có 3 khả năng:
- 25% con bị bệnh Thalassemia mức độ nặng, do nhận được cả gen bệnh của bố và gen bệnh của mẹ truyền cho; Bệnh khiến trẻ thiếu máu nặng, chậm phát triển và gặp phải nhiều biến chứng nặng nề.
- 50% con bị mức độ nhẹ hoặc là người mang gen do nhận được một gen bệnh từ bố hoặc từ mẹ truyền cho; bệnh nhân thường không có biểu hiện gì đặc biệt về mặt lâm sàng.
- 25% khả năng con bình thường.
Để dự phòng bệnh, các cặp đôi trai gái nên được khám và xét nghiệm bệnh Thalassemia trước khi kết hôn.
5. Bệnh lậu
Bệnh lậu cũng nằm trong danh sách bệnh lây truyền khi mang thai nguy hiểm. Mẹ bị bệnh lậu không được điều trị sẽ lây cho trẻ ngay trong tuần đầu tiên sau sinh. Hai mắt trẻ dính không mở được, sưng húp. Nếu không được điều trị trẻ sẽ dễ bị mù vì loét hay sẹo giác mạc…
Vì vậy, các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên phụ nữ có bệnh lậu nên điều trị lành rồi hãy mang thai.
Một số biện pháp dự phòng bệnh lây truyền khi mang thai hiệu quả nhất
Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Đây là phương pháp dự phòng bệnh lây truyền khi mang thai hiệu quả nhất. Các cặp đôi sẽ được xét nghiệm và tư vấn toàn diện về kiến thức mang thai, bệnh di truyền cũng như đời sống sinh hoạt tình dục. Từ đó, giúp cha mẹ chủ động kiểm soát thời điểm mang thai thuận lợi và sinh con an toàn nhất.
Khám sức khỏe định kỳ
Theo các bác sĩ chuyên khoa, biện pháp phòng chống bệnh di truyền từ cha mẹ sang con tốt nhất là khám sức khỏe định kỳ.
Việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp:
– Phát hiện những bất thường về sức khỏe, đưa ra phương hướng, liệu pháp điều trị kịp thời.
– Loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh an toàn.
– Được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, chế độ làm việc, điều chỉnh lối sống nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Duy trì lối sống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh giúp các cặp đôi khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và tránh xa các căn bệnh lây truyền không mong muốn.
>> Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh thủy đậu khi mang thai trong 3 tháng đầu nguy hiểm như thế nào?
- Những dị tật sơ sinh nào có thể chữa khỏi nếu được can thiệp sớm?
- Bị sốt khi mang thai, bà bầu phải làm sao?
- 7 xét nghiệm tiền sản giúp phát hiện dị tật ở thai nhi
———–—–
TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM GENCARE