GENCAREVN.com – Nhau tiền đạo là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm mà bất cứ thai phụ nào cũng có thể gặp phải. Một số trường hợp tai biến sản khoa do nhau tiền đạo khiến cả mẹ và thai nhi tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sau đây để phòng tránh nguy hiểm cho mẹ và con.

1. Tổng quan về nhau thai

Nhau thai là cơ quan hình thành bên trong tử cung khi mẹ mang thai. Đây là phần bám vào thành tử cung của người mẹ và kết nối trực tiếp với dây rốn của thai nhi. Từ nhau thai, em bé trong bụng mẹ sẽ lấy oxi và các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển.

Nhau thai là gì?

Ngoài ra, nhau thai còn bảo vệ thai nhi khỏi những tác động từ cơ thể mẹ và môi trường bên ngoài. Chính vì thế, những bệnh lý bánh nhau từ mẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ.

2. Nhau tiền đạo là gì?

Nhau tiền đạo xảy ra khi vị trí của nhau thai bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, che mất một phần hoặc che kín cổ tử cung, làm cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ. So với thai kỳ bình thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau của phần đáy tử cung.

Phân loại nhau tiền đạo

Dựa vào vị trí bám, nhau tiền đạo được phân chia thành 4 loại:

– Nhau bám thấp: Bờ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, chưa đến lỗ trong cổ tử cung;

– Nhau bám mép: Bờ bánh nhau bám đến bờ lỗ trong cổ tử cung;

– Nhau tiền đạo bán trung tâm: Bánh nhau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung;

– Nhau tiền đạo trung tâm: Bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung, chiếm tỷ lệ 20-30% các trường hợp.

3. Nguyên nhân gây nhau tiền đạo

Nhau thai có thể phát triển ở bất cứ nơi nào mà phôi làm tổ trong tử cung. Trường hợp phôi làm tổ ngay phần dưới của tử cung sẽ dẫn đến nhau thai phát triển ở đó, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhau tiền đạo. Nhau tiền đạo thường được phát hiện sớm từ 3 tháng giữa thai kỳ thông qua siêu âm.

Một số phụ nữ sẽ có yếu tố nguy cơ mắc nhau tiền đạo cao hơn so với bình thường bao gồm:

  • Trải qua sinh nở nhiều lần;
  • Có tiền sử bị sảy thai hoặc nạo thai nhiều lần;
  • Tiền sử bị viêm nhiễm tử cung;
  • Thai phụ đã từng mắc nhau tiền đạo ở những lần mang thai trước;
  • Nhau thai lớn do mang đa thai;
  • Tử cung có hình dạng bất thường;
  • Thai phụ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi);
  • Thai phụ sử dụng nhiều chất kích thích, đặc biệt là hút thuốc lá;
  • Dây rốn bám màng.

4. Triệu chứng nhận biết nhau tiền đạo là gì?

Việc chẩn đoán kịp thời nhau tiền đạo giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng thai kỳ nghiêm trọng. Do đó, nắm được các triệu chứng của hiện tượng này, mẹ bầu sẽ chủ động thăm khám kiểm soát được các yếu tố nguy cơ tốt nhất. Triệu chứng bao gồm:

– Xuất huyết âm đạo bất thường ở 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc khi chuyển dạ. Máu màu đỏ tươi hoặc đôi khi có máu cục, thường không đi kèm triệu chứng đau bụng. 

– Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra tự nhiên và tự cầm đột ngột mà không cần điều trị. Tuy nhiên, theo thời gian, số lần xuất huyết sẽ lặp lại và lượng máu chảy tăng lên.

– Một số trường hợp thai phụ bị co thắt tử cung gây đau bụng kèm theo ra máu âm đạo.

5. Biến chứng nguy hiểm của nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo được đánh giá là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tình trạng băng huyết trong thai kỳ hoặc sau khi sinh, đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Cụ thể:

biến chứng nguy hiểm của nhau tiền đạo

Đối với thai phụ: Tùy vào mức độ xuất huyết âm đạo mà tính chất nguy hiểm đến sức khỏe thai phụ sẽ khác nhau:

– Trường hợp ra máu ít gây thiếu máu, mệt mỏi kéo dài.

– Trường hợp xuất huyết tái phát liên tục gây choáng, sốc, dễ sinh non, thậm chí có thể tử vong.

– Trường hợp xuất huyết không kiểm soát (hiện tượng băng huyết) do bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung. Hoặc sau sinh bánh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng. Nguy cơ tử vong lúc này là rất cao, do đó bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu.

Đối với thai nhi: 

– Mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai nhi suy dinh dưỡng, suy thai. Nếu mẹ ra máu ít và không bị ảnh hưởng đến tổng trạng thì có thể thông qua chế độ nghỉ ngơi do bác sĩ hướng dẫn để kéo dài tuổi thai ở mức cao nhất (một số trường hợp sẽ cần phải tiêm hỗ trợ phổi cho thai nhi nếu đã đủ tuần tuổi cho phép).

– Khi mẹ xuất huyết quá nhiều thì để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp dù ở bất cứ tuần tuổi nào để bảo toàn tính mạng cho mẹ. Lúc này, thai chưa đủ tháng khiến trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp. 

– Việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng bất thường ngôi thai như ngôi thai ngược (ngôi mông hoặc ngôi ngang).

6. Phát hiện và hướng điều trị 

Để phát hiện chính xác nhau tiền đạo thì phương pháp phổ biến nhất là thông qua siêu âm. Ở các lần khám thai định kỳ, qua siêu âm, bác sĩ sẽ khảo sát hình thái cũng như sự phát triển của thai nhi, xác định vị trí bám của dây rốn và bánh nhau để xác định nhau tiền đạo có hay không. Biến chứng này thường được khuyến cáo thực hiện siêu âm phát hiện sớm từ sau tuần thai thứ 28.

Phát hiện và hướng điều trị với nhau tiền đạo

Nguyên tắc chung của điều trị nhau tiền đạo là thực hiện cầm máu cứu thai phụ. Tùy vào tuổi thai, mức độ xuất huyết, khả năng nuôi dưỡng sơ sinh cũng như đánh giá mức độ truyền bù máu phù hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị khác nhau:

– Trường hợp rau tiền đạo xuất huyết ít:

+ Thai phụ cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, có chế độ dinh dưỡng đảm bảo ở điều kiện tốt nhất;

+ Sử dụng thuốc giảm co như spasmaverine 40mg, progesterone;

+ Có thể tiêm trưởng thành phổi giúp phổi thai nhi trưởng thành sớm;

– Trường hợp nhau thai xuất huyết nhiều, đe dọa tính mạng thai phụ: thực hiện mổ lấy thai ở bất kỳ tuổi thai nào.

7. Phòng ngừa nhau tiền đạo bằng cách nào?

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, tránh được những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi như nhau tiền đạo, thai phụ nên:

  • Hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, không khuyến cáo mang thai khi đã có đủ con;
  • Tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết;
  • Không hút thuốc lá, cũng như tránh hít phải khói thuốc lá khi mang thai;
  • Nghỉ ngơi, tránh việc nặng nhọc;
  • Đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác khi có những dấu hiệu kể trên;
  • Nhập viện theo dõi khi được chẩn đoán mắc bệnh ở những tháng cuối thai kỳ.

Nói tóm lại, nhau tiền đạo là một trong những biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm đối với tất cả phụ nữ mang thai. Vì thế, thai phụ không nên bỏ qua bất cứ mốc thăm khám nào để kịp thời phát hiện bệnh lý này. 

>> Có thể bạn quan tâm: 

———–—–

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM GENCARE
☎️ Hotline: 0971.883.288
🚑 Hệ thống lấy mẫu tại nhà trên toàn quốc
🌐 Website: www.gencarevn.com
🔗 Fanpage: fb.com/gencarevn
🏢 Địa chỉ: Số 31 Ngõ 18 Đường Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan

GÓI XÉT NGHIỆM NIPT – SÀNG LỌC TRƯỚC SINH KHÔNG XÂM LẤN TẠI GENCARE

GENCAREVN.com – Sàng lọc trước sinh không xâm lấn là phương pháp kiểm tra sức...

Xem thêm
CÓ NÊN SÀNG LỌC GEN DI TRUYỀN TRƯỚC KHI MANG THAI?

GENCAREVN.com – Tất cả các cặp vợ chồng đều nên thực hiện sàng lọc gen...

Xem thêm
BẤT THƯỜNG NHIỄM SẮC THỂ CÓ DI TRUYỀN KHÔNG?

GENCAREVN.com – Bất thường di truyền nhiễm sắc thể là nguyên nhân phổ biến gây...

Xem thêm
Fanpage Messenger Gọi ngay Zalo Bản đồ Youtube