GENCAREVN.com – Từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ, hầu hết mẹ bầu cần được thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Bộ Y tế đưa ra các khuyến nghị liên quan đến loại xét nghiệm này như thế nào? Các nguy cơ cũng như cách phòng tránh căn bệnh này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ hay được gọi là bệnh đái tháo đường thai kỳ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể mẹ không sản xuất đủ insulin cần thiết để duy trì lượng đường huyết trong máu ổn định. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 5% phụ nữ mang thai chủ yếu do chế độ dinh dưỡng không cân đối.
Không giống như các loại bệnh tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh (4 – 6 tuần). Sau khi em bé chào đời, lượng đường trong máu của mẹ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên, thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn trong tương lai.
Nếu không phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng cách, phụ nữ mang thai có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ, chẳng hạn như sinh non, tiền sản giật, mổ lấy thai, thai chết lưu…
2. Thai phụ nào dễ bị mắc đái tháo đường?
Những đối tượng mẹ bầu sau đây có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn bình thường nếu:
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ bị thừa chất.
- Chủng tộc châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Thừa cân béo phì trước khi mang thai (chỉ số BMI > 23).
- Mẹ có tiền sử gia đình đã mắc tiểu đường.
- Bị rối loạn đường huyết trước khi mang thai (tiền đái tháo đường).
- Phụ nữ có tiền sử sinh con to > 4kg hoặc từng có tiền sử tiểu đường thai kỳ.
- Tăng cân quá mức trong thời gian mang thai (>15kg).
- Mẹ bị đa nang buồng trứng.
- Phụ nữ có tiền sử sảy thai, thai lưu không rõ nguyên nhân.
3. Thời điểm vàng xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cho phụ nữ mang thai
Thời điểm kiểm tra đái tháo đường thai kỳ rất quan trọng, giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Thông thường, phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào tuần 24-28 của thai kỳ.
Theo PGS.TS Vũ Bích Nga – Trưởng khoa nội tiết – hô hấp tại bệnh viện Đại Học Y cho biết:
– Với người có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao cần xét nghiệm ngay trong lần khám thai đầu tiên (trong vòng 3 tháng đầu).
– Với những người không có nguy cơ cao thì nên xét nghiệm vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28.
– Với người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng xét nghiệm trong 3 tháng đầu không bị thì đến tuần thứ 24 vẫn phải làm lại xét nghiệm.
Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ đều không có triệu chứng rõ ràng nào. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.
4. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ diễn ra như thế nào? Có cần nhịn đói không?
Có 2 phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:
Xét nghiệm một bước: dung nạp glucose
Thai phụ uống 75g đường (dung dịch glucose) khi đói. Bác sĩ tiến hành đo nồng độ glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau uống đường. Căn cứ vào giá trị đường huyết bất thường sau khi dung nạp glucose trong 2 giờ để đưa ra kết luận cuối cùng, giá trị đó lần lượt là:
- Đường huyết lúc đói: > 92mg/dl (5,1mmol/l)
- Sau 1 giờ: > 180mg/dl (10,0mmol/l)
- Sau 2 giờ: > 153mg/dl (8,5mmol/l)
Lưu ý: Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ để đảm bảo độ chính xác cao nhất.
Xét nghiệm hai bước: thử glucose và dung nạp glucose
Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp thử glucose: Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ.
Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
Đối với xét nghiệm thử glucose, mẹ bầu không cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Bởi đây là một xét nghiệm sàng lọc glucose ngẫu nhiên, giúp kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ ở bất kỳ thời điểm bình thường nào trong ngày.
Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g: Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, uống 100 gam glucose pha trong 250-300 ml nước, đo glucose huyết lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose.
Giá trị đường huyết bất thường sau khi uống dung dịch 100g glucose trong vòng 3 giờ được căn cứ như sau:
- Đường huyết lúc đói: 95mg/dl (5,3mmol/l)
- Sau 1 giờ: > 180mg/dl (10,0mmol/l)
- Sau 2 giờ: > 155mg/dl (8,6mmol/l)
- Sau 3 giờ: > 140mg/dl (7,8mmol/l).
5. Mẹ bầu cần làm gì hạn chế nguy cơ mắc đái tháo đường?
Để hạn chế nguy cơ tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế sử dụng đường và thức ăn có chứa đường. Đồng thời tăng cường tiêu thụ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và thực phẩm giàu chất xơ.
- Tập thể dục đều đặn: Luyện tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên như đi bộ hoặc tập yoga có thể giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng và cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể với insulin.
- Theo dõi cân nặng sát sao: Duy trì mức cân nặng trong khoảng tăng cân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ trong khoảng thời gian được khuyến nghị để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Hạn chế stress: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. Mẹ có thể thực hành thiền, yoga, hoặc các hoạt động giải trí lành mạnh để giữ gìn sức khỏe tinh thần…
>> Xem thêm:
- [Tổng hợp] 7 Xét nghiệm tiền sản giúp phát hiện dị tật thai nhi
- ADN tự do là gì? Ứng dựng của cfDNA
- GENCARE – Đơn vị tiên phong trong dịch vụ xét nghiệm NIPT
—————–