GENCAREVN.com – Siêu âm là hoạt động cần thiết trong quá trình thăm khám thai của tất cả các sản phụ. Bên cạnh các mốc khám thai quy định, nhiều mẹ bầu thắc mắc nếu đi siêu âm thai nhiều hơn bình thường có sao không? Ngay sau đây GENCARE sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này nhé!
1. Tại sao cần siêu âm thai?
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm với tần số cao để ghi lại hình ảnh trực tiếp từ bên trong cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai, siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa là việc làm cần thiết.
– Siêu âm theo dõi thai kỳ giúp đưa ra những đánh giá bước đầu về sự phát triển của thai.
– Giúp phát hiện những bất thường của mẹ và bé mà khám lâm sàng không thấy được, bao gồm cả các biến chứng sản khoa sản khoa như rau bám thấp, rau tiền đạo hoặc rau cài răng lược…
– Khám lâm sàng và tiền sử bệnh gia đình không giúp chẩn đoán được mẹ bầu có chửa nhiều thai. Do đó, siêu âm là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong trường hợp đa thai.
Như vậy, thăm khám, siêu âm thai định kỳ giúp bác sĩ theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, sớm phát hiện được những bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Siêu âm thai nhiều có sao không?
Các hình thức siêu âm thai đang được áp dụng bao gồm siêu âm 2D, 3D, 4D, siêu âm ngã âm đạo, thành bụng, siêu âm Doppler màu, siêu âm tim thai… Hiện nay chưa ghi nhận các trường hợp siêu âm thai nhiều gây hại cho sức khỏe thai kỳ. Tuy nhiên các mẹ bầu cũng không nên quá lạm dụng phương pháp này.
Bản chất của siêu âm là sóng âm thanh có tần số rất cao (vượt quá ngưỡng nghe được) nên hoàn toàn vô hại. Đối với thai nhi mới được 1 – 2 tháng tuổi (dưới 10 tuần), mẹ bầu lưu ý không lạm dụng phương pháp siêu âm Doppler nếu không cần thiết. Bởi vì riêng phương pháp này có tác dụng nhiệt nên có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi.
Tóm lại, siêu âm là phương pháp an toàn cho thai kỳ nhưng mẹ bầu chỉ nên sử dụng vừa đủ, đúng thời điểm để có kết quả tốt nhất, tiết kiệm chi phí cũng như dự phòng các nguy cơ kịp thời.
3. Các thời điểm bắt buộc phải thực hiện siêu âm thai
Bên cạnh việc kết hợp siêu âm trong những lần khám thai định kỳ, mẹ bầu lưu ý bốn thời điểm bắt buộc phải thực hiện siêu âm bao gồm:
– Tuần 6 – 10: Siêu âm thai từ tuần thứ 6 – 10 để xác định thai đã vào tử cung hay chưa, thai đơn hay thai đôi và thai có sự sống (tim thai) hay không.
– Từ tuần 11 – 13: Đo khoảng sáng sau gáy (double test) để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, dị dạng tay chân …).
– Từ tuần 22 – 24: Khảo sát thai có phát triển bình thường hay không qua cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng.
– Từ tuần 30 – 32: Siêu âm kiểm tra động mạch, tim và một vùng cấu trúc não, dây rốn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (nước ối đục hay trong, nhiều hay ít).
4. Những lưu ý cho thai phụ khi đi siêu âm
Quy trình siêu âm khá đơn giản và nhẹ nhàng. Dưới đây là một số lưu ý dành cho mẹ bầu khi thực hiện siêu âm thai:
– Đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch, giúp phát hiện sớm những bất thường nếu có.
– Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái khi đi siêu âm
– Dù chưa có bằng chứng về sự nguy hại của siêu âm đến thai nhi, nhưng người mẹ cũng không nên lạm dụng siêu âm.
– Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống nhiều nước và nhịn tiểu trước khi siêu âm để đẩy bàng quang lên, tiện cho việc theo dõi hình ảnh thai nhi.
– Thông thường, siêu âm thai lần đầu vào tuần thứ 5 – 8 để xác định thai vào tổ hoặc tim thai. Trong trường hợp thai phụ từng bị sảy thai, từng điều trị vô sinh, đang điều trị bệnh hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và có lịch trình siêu âm phù hợp hơn.
———–—–