GENCAREVN.com – Chọc ối là thuật ngữ quen thuộc đối với các thai phụ có nhu cầu làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh hoặc xét nghiệm ADN huyết thống thai nhi. Tuy nhiên trước nhiều luồng thông tin trái chiều, nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng về phương pháp này. Vậy chọc ối được thực hiện như thế nào và có những lưu ý gì mà thai phụ cần biết trước khi làm xét nghiệm chọc ối?
1. Quy trình thực hiện
Chọc ối là một thủ thuật y tế được thực hiện trong thai kỳ để lấy mẫu nước ối từ bên trong tử cung của mẹ. Xét nghiệm mẫu nước ối thường được tiến hành từ tuần thai thứ 16 đến tuần thai thứ 20 của thai kỳ. Ở tuần 16, sự tái hấp thu nước ối bắt đầu được thực hiện qua hệ tiêu hóa, da, dây rốn và màng ối của thai nhi khiến cho các tế bào ADN của thai nhi lẫn vào trong dịch ối.
Qua việc phân tích mẫu nước ối, kết quả xét nghiệm sẽ giúp xác định xem thai nhi của mẹ có nguy cơ mắc phải những rối loạn di truyền nhất định hoặc bất thường nhiễm sắc thể hay không.
Quy trình thực hiện chọc ối như thế nào được mô tả qua các bước tóm tắt như sau:
- Đầu tiên, thai phụ nằm xuống với tư thế được chỉ định và bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để xác định tư thế của thai và tình trạng nhau thai.
- Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ xác định được vị trí chọc ối an toàn cho cả mẹ và bé. Sau đó, bác sĩ sẽ vệ sinh phần bụng của người mẹ với chất khử trùng rồi bắt đầu tiêm thuốc tê tại chỗ qua da.
- Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu tiêm dài và mỏng để chọc vào vị trí đã khử trùng trước đó, rút khoảng 15 – 20ml. Quá trình rút nước ối mất khoảng 30 giây. Mẫu nước ối này sau đó sẽ được kiểm tra bằng các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết.
- Sau khi lấy nước ối, bác sĩ sẽ kiểm tra lại xem em bé trong bụng mẹ vẫn khỏe mạnh hay không và có bị ảnh hưởng gì sau khi chọc ối không.
2. Chọc ối có cần thiết không?
Nhìn chung, chọc ối là thủ thuật xâm lấn nên có tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Các biến chứng có thể xảy ra sau khi chọc ối bao gồm thai lưu, sảy thai, vỡ ối, nhiễm trùng. Theo các nghiên cứu gần đây, nguy cơ xảy ra sảy thai khi chọc ối là 1/500 trường hợp thực hiện. Vì vậy, chọc ối không phải là xét nghiệm bắt buộc, nên chỉ thực hiện trên những thai phụ có nguy cơ cao bất thường về di truyền. Cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối ở những phụ nữ mang thai có những yếu tố nguy cơ sau:
- Tuổi cao trên 40
- Bố hoặc mẹ của bé có thành viên trong gia đình mắc các hội chứng liên quan đến rối loạn trong bộ nhiễm sắc thể
- Bản thân người mẹ có mang bệnh lý di truyền
- Người mẹ đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc trên huyết thanh hoặc siêu âm cho thấy dấu hiệu bất thường
Chọc ối là phương pháp chẩn đoán nên có độ chính xác gần như tuyệt đối (>99%). Do đó, thường là phương pháp được chỉ định thực hiện sau khi thai phụ có kết quả xét nghiệm sàng lọc NIPT, Double Test hoặc Triple Test có nguy cơ cao để xác nhận lại kết quả của các xét nghiệm này.
3. Chọc ối có đau không?
Bác sĩ thường sẽ chỉ định bà bầu có nguy cơ cao thực hiện chọc ối vào khoảng giữa tuần 16 – 20 của thai kỳ. Đây là thời điểm lượng nước ối của mẹ khá dồi dào. Do đó, mặc dù bị lấy đi một lượng nước ối nhưng cơ thể thai phụ sẽ ngay lập tức tái tạo lại lượng nước ối được lấy ra. Em bé sẽ không bị tình trạng thiếu ối sau khi thực hiện xét nghiệm.
Tuy nhiên, câu hỏi chọc ối có đau không còn tùy thuộc vào tình trạng của từng bà bầu. Một số trường hợp sẽ cảm thấy hơi đau nhói lúc chọc ối và có cảm giác hơi khó chịu ở vùng bụng sau đó vài giờ. Để khắc phục tình trạng đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống và dặn thai phụ nên nghỉ ngơi vào ngày chọc ối. Ngày hôm sau, tình trạng đau bụng thường sẽ giảm. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lưu ý những biến chứng nguy hiểm sau khi thực hiện chọc ối như rò ối, vỡ ối, sảy thai…
Có một số phương pháp khác có thể thay thế hoặc hỗ trợ cho thủ thuật chọc ối, bao gồm:
- Sinh thiết gai rau: Là một thủ thuật chẩn đoán trước sinh, trong đó lấy đi xét nghiệm một mẫu mô của nhau thai thay vì nước ối. Sinh thiết gai rau được thực hiện giữa tuần thứ 12 và 14 của thai kỳ.
- Bác sĩ cũng có thể chỉ định một phương pháp xét nghiệm hình ảnh đặc biệt hoặc xét nghiệm máu. Tuy nhiên những xét nghiệm cận lâm sàng này chỉ giúp bác sĩ biết rằng thai nhi của bạn có đang gặp vấn đề gì không, chứ không cung cấp nhiều thông tin để chẩn đoán chính xác.
Trước khi tiến hành thủ thuật chọc ối, thai phụ nên hiểu rõ về các rủi ro có khả năng gặp phải. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể ra quyết định phù hợp hơn.
4. Chọc ối bao lâu có kết quả?
Chọc ối bao lâu có kết quả còn tùy thuộc độ phức tạp của phương pháp xét nghiệm và mẫu nước ối. Thường thì kết quả thực hiện chọc ối sẽ có trong vòng 1 – 2 tuần. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể phải đợi đến tuần thứ 3 mới có kết quả. Khi nhận được kết quả, bác sĩ sẽ kiểm tra và hướng dẫn cho bà bầu về các tình huống xấu có thể xảy ra.
Từ đó, bố mẹ có thể cùng với bác sĩ lên kế hoạch chăm sóc và điều trị thích hợp sau khi bé chào đời, hay đối với một số bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bé trước khi sinh.
5. Một số lưu ý khi thực hiện
- Kiểm tra tuổi thai trước khi chọc ối là việc rất quan trọng. Chọc ối được khuyến cáo thực hiện từ sau 15 tuần, lúc này nguy cơ cho thai nhi là thấp nhất.
- Thai phụ cũng cần được xác định nhóm máu trước khi làm thủ thuật. Nếu bạn có nhóm máu Rhesus âm, bạn cần tiêm 1 liều Kháng thể miễn dịch (anti-D) sau thủ thuật.
- Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan B, C, HIV nên được thực hiện trước khi làm thủ thuật.
- Thai phụ có thể ăn uống bình thường và không cần chuẩn bị đặc biệt gì trước thủ thuật.
- Mẹ không cần nằm viện sau chọc ối, có thể sinh hoạt bình thường nhưng nên tránh các hoạt động nặng.
- Nếu xuất hiện các triệu chứng như ra huyết âm đạo, đau bụng, sốt cao hoặc dịch tiết bất thường từ âm đạo, bạn nên đến bệnh viện ngay để kiểm tra.
- Nếu không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau 1-2 tuần đầu sau thủ thuật, khả năng cao là không có biến chứng.
Chọc ối là thủ thuật xâm lấn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên mẹ lưu ý cần được tư vấn kỹ càng và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mới nên thực hiện.
>> Có thể bạn quan tâm:
- Bác sĩ tư vấn: Ai nên thực hiện xét nghiệm NIPT
- Tổng hợp 6 phương pháp sàng lọc trước sinh phổ biến nhất hiện nay
- Xét nghiệm NIPT giá bao nhiêu và có chính xác không?
———–—–