GENCAREVN.com – Khi mang thai, việc chăm sóc sức khỏe và sự phát triển của thai nhi là ưu tiên hàng đầu của mọi bà mẹ. Tuy nhiên, đôi khi xuất hiện những dấu hiệu không bình thường như ra máu ở âm đạo, đau bụng, có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Để nhận biết tình trạng dọa sảy thai và sảy thai thực sự, cũng như cách xử lý kịp thời, dưới đây là những thông tin hữu ích về cả hai tình trạng này.
1. Cần chú ý dấu hiệu dọa sảy thai
Dọa sảy thai (động thai) thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của thai kỳ và có thể do nhiều nguyên nhân như:
- Sự bất thường về nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi.
- Một số bệnh của mẹ như: sốt cao, suy tim, bệnh thận mạn tính, mất cân bằng nội tiết, các bệnh về tử cung (viêm nhiễm cổ tử cung, u tử cung, ung thư cổ tử cung, tử cung co rút khác thường).
- Thai phụ làm việc quá sức, bị suy nhược sức khỏe.
Mẹ nên chú ý các dấu hiệu dọa sảy thai để kịp thời can thiệp y tế đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé:
- Cảm giác đau âm ỉ, đau tức từng cơn ở bụng dưới.
- Thường bị mỏi ở vùng thắt lưng.
- Xuất hiện dịch nhầy kèm vài giọt máu hoặc dịch màu đen, đỏ sẫm, hồng nhạt từ âm đạo.
- Siêu âm thai thấy bong rau dọa sảy thai.
2. Dấu hiệu sảy thai thực sự
Sảy thai là hiện tượng kết thúc thai kỳ trước tuần thai thứ 20, có thể do nhiều nguyên nhân và rất khó xác định rõ ràng. Thai lúc này mới ở giai đoạn phát triển đầu tiên nên cân nặng thường dưới 500g, bị tống khỏi buồng tử cung với những dấu hiệu đặc trưng.
Những dấu hiệu sảy thai gồm:
- Chảy máu âm đạo: Nếu bị chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi bị chấn thương ảnh hưởng đến vùng bụng hoặc thai phụ có tiền sử sảy thai thì cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Mất triệu chứng thai nghén: Ở giai đoạn mang thai đầu, thai phụ thường gặp phải nhiều triệu chứng ốm nghén như: Chán ăn, buồn nôn, căng tức ngực,… nhưng đột nhiên biến mất thì rất có thể thai kỳ đã dừng lại.
- Đau lưng, đau bụng dưới: Đau bụng dưới là biểu hiện thường gặp nhất của thai ngoài tử cung, sảy thai. Đặc biệt nếu xuất hiện các cơn co thắt tử cung xảy ra gây khó thở, đau thắt, sau đó chảy máu âm đạo.
- Dịch âm đạo bất thường: Phụ nữ mang thai thường tiết nhiều dịch nhờn hơn để giúp môi trường âm đạo ẩm ướt, tuy nhiên nếu dịch nhờn quá nhiều có màu hồng do máu hoặc đi kèm cục máu đông thì đây là dấu hiệu nguy hiểm.
- Chuột rút kèm chảy máu: Thai nhi đè nặng làm tăng áp lực vùng chậu, nếu đi kèm với khó thở, chảy máu âm đạo thì khả năng cao bạn đã bị sảy thai hoặc chuẩn bị sảy thai.
- Thử thai âm tính: Xét nghiệm có thai dương tính sau đó lại âm tính là một dấu hiệu điển hình của việc mang thai ngoài tử cung, và thường đi kèm với việc ra máu lốm đốm.
3. Các triệu chứng phân biệt dọa sảy thai và sảy thai thực sự
Sảy thai và dọa sảy thai nhìn chung có dấu hiệu ban đầu khó phân biệt. Trong đó dễ dàng nhận biết nhất là tình trạng của thai nhi và hiện tượng chảy máu âm đạo. Cụ thể:
Dọa sảy thai | Sảy thai |
Thường có xuất huyết âm đạo và đau bụng. Thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung. | Thai nhi đã chết và đang được đẩy ra ngoài. Có thể là sảy thai hoàn toàn và không hoàn toàn. |
Trong đó:
– Sảy thai hoàn toàn là toàn bộ thai nhi và nhau thai cùng bị tống ra một lúc, bụng hết đau nhưng máu vẫn có thể tiếp tục rỉ ra như kinh nguyệt.
– Sảy thai không hoàn toàn là một phần của thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung. Bụng bớt đau hơn nhưng máu âm đạo vẫn chảy liên tục, thậm chí có thể bị băng huyết.
4. Cần làm gì khi có dấu hiệu dọa sảy thai?
Tuy rằng khả năng giữ thai sau khi xuất hiện những dấu hiệu sảy thai là mong manh song vẫn có hy vọng¸ lúc này mẹ cần:
Thai phụ nếu thấy có các dấu hiệu dọa sảy thai trước tiên cần nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh xoa bóp bụng, kiêng giao hợp tuyệt đối. Hãy tới phòng khám, bệnh viện Sản khoa để được khám thai, kiểm tra tình trạng phát triển để được bác sĩ tư vấn. Nếu không thể can thiệp giữ thai, việc dừng thai kỳ sớm sẽ giúp sức khỏe mẹ bầu nhanh hồi phục hơn, chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo. Nếu vẫn còn hy vọng, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp can thiệp và giữ gìn để có thể đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Nếu đã điều trị tích cực mà vẫn ra huyết nhiều hoặc đau bụng nhiều hơn, các bác sĩ sẽ có biện pháp chẩn đoán chính xác tình trạng thai và có quyết định phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị và hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa. Phụ nữ nếu đã bị sảy thai cần khám toàn diện cũng như được tư vấn cẩn thận trước khi mang thai lần sau.
>> Có thể bạn quan tâm:
- Nhau tiền đạo: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chi tiết nhất
- Mẹ bầu bị nhau thai bám thấp có sinh thường được không?
- Biến chứng nguy hiểm của hiện tượng nhau thai bám thấp tới thai kỳ
———–—–