GENCAREVN.com – “Nhau bám thấp có tự hết được không?” và “Tới tuần bao nhiêu thì hết?” là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Đặc biệt đối với các thai phụ được chẩn đoán mắc tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ giải đáp chi tiết để an tâm chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
1. Thông tin chung về nhau bám thấp
Nhau thai hay còn gọi là bánh nhau hoặc rau thai, là bộ phận kết nối bào thai đang phát triển vào thành tử cung. Từ đây cơ thể mẹ sẽ nuôi dưỡng thai nhi bằng cách chuyển oxy và chất dinh dưỡng trực tiếp đến em bé. Nhau thai còn giúp loại bỏ các chất thải từ máu của thai nhi và có vai trò như một hàng rào bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng từ bên trong.
Nhau thai có hình dạng và cách bám khác nhau ở từng thai phụ. Thông thường có 4 vị trí bám. Những vị trí này được xem là bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi:
- Nhau bám mặt trước;
- Nhau bám mặt sau tử cung;
- Nhau bám phía đáy tử cung;
- Nhau bám phía bên trái hoặc bên phải lòng tử cung.
Nhau bám thấp là tình trạng một phần nhau bám ở đoạn dưới tử cung, vị trí gần cổ tử cung. Có thể coi nhau bám thấp là một dạng nhẹ của nhau tiền đạo. Trong trường hợp phần nhau này di chuyển bám thấp hơn 2cm tính từ mép tử cung hoặc che lấp toàn bộ tử cung, mẹ bầu sẽ được chẩn đoán mắc nhau tiền đạo.
Thông thường, nhau bám thấp được phát hiện dễ dàng nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 28). Dấu hiệu rõ nhất là xuất huyết âm đạo đột ngột mà không rõ nguyên nhân. Máu có màu đỏ tươi, khi xuất ra ngoài đông vón thành cục, thường không đi kèm triệu chứng đau bụng.
Nếu mẹ được chẩn đoán nhau bám thấp nhưng xuất huyết âm đạo ít hoặc không xuất huyết thì mẹ không nên quá lo lắng. Điều này có nghĩa là thai kỳ của mẹ vẫn ổn định, nhau bám thấp không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên nếu tình trạng xuất huyết lặp đi lặp lại nhiều lần, mức độ tăng dần. Đặc biệt, khi mẹ bầu làm việc nặng, quan hệ tình dục hoặc di chuyển nhiều càng dễ chảy máu. Mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất thăm khám để phát hiện sớm các bất thường, có hướng xử trí kịp thời và hiệu quả, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây hại cả mẹ và bé.
2. Nhau bám thấp thường tới tuần bao nhiêu thì hết?
Trên thực tế mẹ bầu có thể được chẩn đoán có nhau bám thấp ngay trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ).
Đối với các trường hợp nhau bám thấp ở mẹ bầu dưới 20 tuần, tình trạng này sẽ tự được cải thiện. Khi thai nhi phát triển lớn dần, tử cung cũng phát triển về phía đáy, kéo theo bánh nhau lên cao sẽ cải thiện được vị trí bánh nhau. Bánh nhau không còn nằm gần cổ tử cung, do đó không bị bóc tách khỏi niêm mạc tử cung gây chảy máu âm đạo khi mẹ bầu bước vào những tháng cuối của thai kỳ.
Đối với các trường hợp nhau bám thấp đến tận ngày dự sinh (sau 28 tuần), nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Lúc này, bánh nhau nằm trước đường ra của thai nhi khi chuyển dạ, vì vậy bác sĩ sẽ chỉ định mổ bắt lấy thai. Do đó, mẹ bầu cần thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm bất thường.
>> Có thể bạn quan tâm:
- Mẹ bầu bị nhau thai bám thấp có sinh thường được không?
- Biến chứng nguy hiểm của hiện tượng nhau thai bám thấp tới thai kỳ
3. Hướng xử trí cho mẹ bầu
Để hạn chế tối đa các rủi ro đe dọa thai kỳ, khi được chẩn đoán nhau bám thấp, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa Sản Phụ khoa uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tay nghề cao để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Mẹ bầu cần tuân thủ đúng hẹn thăm khám và chỉ định điều trị của bác sĩ.
Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý:
– Dành thời gian nghỉ ngơi, không nằm yên một chỗ quá lâu, tuy nhiên cũng không nên đi lại nhiều hoặc vận động mạnh.
– Hạn chế tối đa việc đi xe máy, đi đường xa hoặc đường xóc.
– Tuyệt đối không quan hệ vợ chồng trong thời gian này.
– Không tác động lên vùng bụng nhằm tránh làm tử cung bị kích thích, gây chảy máu.
– Ăn uống bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tránh những thức ăn khó tiêu gây đầy bụng hoặc táo bón.
– Nhập viện ngay khi phát hiện chảy máu âm đạo hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường.
———–—–